Chuyện lời Phật dạy trích từ "21 bài học cho thế kỷ 21".
Cuối cùng thì hôm nay mình cũng đọc xong "21 bài học cho thế kỷ 21". Vì nội dung của sách là về "những vấn đề của thế giới" và phải có kiến thức sâu rộng thì mới có thể hiểu được hết dụng ý của tác giả. Thế nên, lần đọc này, mình đọc với tâm thế ban đầu là đọc để biết, chỗ nào chưa biết hay chưa hiểu thì tra Google để có thêm kiến thức☺. Gấp sách lại, nhiều thứ quay vòng trong đầu vì một lượng lớn thông tin được bổ sung. Mình chỉ dám nói về một bài học mà mình hiểu, là lời phân tích của tác giả Yuval Noah Harari về Lời Phật dạy, như sau:
"Phật dạy rằng ba hiện thực cơ bản của vũ trụ là mọi thứ liên tục thay đổi, không gì có bản chất trường tồn, và không có gì khiến ta hài lòng hoàn toàn cả. Anh có thể đi thám hiểm nơi xa xôi nhất của thiên hà, của cơ thể mình hay của tâm trí mình; nhưng anh sẽ không bao giờ bắt gặp một cái gì đó không thay đổi, có bản chất vĩnh hằng và khiến anh thỏa mãn hoàn toàn."
(21 bài học thế kỷ 21, Yuval Noah Harari,tr.370)
Chính vì không thấu hiểu được hiện thực này, nên con người chúng ta cứ mãi kiếm tìm những thứ "mãi mãi", những thứ "hoàn hảo", những thứ "hài lòng" để rồi nhận lại là "mất đi", "không trọn vẹn" và "thất vọng", kết quả cuối cùng của những thứ cảm giác này sẽ là đau khổ. Trước đó Yuval Noah Harari đã phân tích rằng "trong mọi thứ trên thế giới, đau khổ là thật nhất. Bạn không bao giờ có thể phớt lờ nó" (tr.351). Chỉ có đau khổ mới làm con người thức tỉnh và nhận định đúng nhất về bản thân mình.
Trong đời sống hàng ngày chúng mình dễ đưa bản thân ra so sánh lắm. Kiểu như so sánh bản thân với bạn bè xung quanh là điển hình nhất. Cái gì cũng có tính hai mặt, so sánh cũng có hai mặt, một mặt nó làm chúng ta phấn đấu tiến lên cải thiện con người mình tốt hơn, một mặt nó làm ta đau khổ vì không hiểu bản thân thực sự muốn gì mà chỉ biết nhắm mắt đuổi theo những ảo mộng không thuộc về mình. Ranh giới giữa hai mặt này cực kỳ mong manh nên để nhận biết được mà theo hướng tốt cho bản thân nhất là cực khó. Có một thời gian dài mình từng nghĩ rằng, mọi thứ trên đời này chung quy cũng từ con người mà ra, từ những thứ trừu tượng vô hình như cảm xúc, lý trí đến những thứ liên kết xã hội, văn hóa, kinh tế,...hay bất cứ thứ gì, nó đều là mối quan hệ giữa người và người. Và mình cũng không tin có một thế giới khác sau cái chết, với mình chết là hết, là kết thúc một đời. Vậy tại sao chúng mình cứ nhất định phải tự đi tìm đau khổ, sao mình không sống một đời kia thật hạnh phúc. Đừng so sánh nữa là điều không thể, dù có tự nhắc bản thân cả trăm lần là dừng lại đi, nhưng nó chẳng bao giờ dừng mà cứ tự bật ra không kiểm soát. Một đời thực ra chẳng mấy chốc mà qua đi, biết được ngày mai sẽ thế nào đâu, thế nên tốt hơn hết là hiểu chính mình muốn gì, muốn như thế nào và muốn trở thành ai?
"Thế nên nếu bạn muốn biết sự thật về vũ trụ, về ý nghĩa cuộc sống và về bản thân mình, vị trí khởi đầu tốt nhất là quan sát sự đau khổ và khám phá xem nó là gì".
(21 bài học thế kỷ 21, Yuval Noah Harari,tr.377)
Để trả lời cho những câu hỏi trên thì cũng lại là một vấn đề khó khăn khác, giống như vừa đi vừa mò trong căn hầm tối vậy, không biết ngày nào mới có thể thấy ánh sáng nơi cuối con đường, nhưng chúng mình vẫn phải dũng cảm tiến về phía trước. Chúng mình chẳng thể buông bỏ chấp niệm của bản thân với một số chuyện, nên đành chấp nhận trải nghiệm từng nỗi đau, từng nỗi đau để học cách buông bỏ, học cách trưởng thành từ những vết thương đã lành nhưng để lại sẹo đó. Cuộc sống sẽ ngày càng mài mòn những góc cạnh trong con người, quay đi quay lại bỗng giật mình nhận ra, trưởng thành khiến chúng ta dần quên đi cách đấu tranh và học được càng nhiều cách chấp nhận. Chỉ với mình thì mình cho là như thế ☺