[Review sách] Nhật ký bí mật của Chúa - Raymond Khoury.

 1. Ấn tượng đầu tiên

Cả hai chị em mình đều là fan của Dan Brown nên kiểu tiểu thuyết trinh thám xen lẫn yếu tố tôn giáo thì cũng đã đọc khá nhiều. Do vậy muốn đọc nhiều hơn về thể loại này, dựa trên các góc nhìn khác nhau của các tác giả khác nhau, thì chị mình đã mua cuốn "Nhật ký bí mật của Chúa" tác giả Raymond Khoury vì nó được review với câu nói đầy tự tin của LIRE Magazine như sau: "Nếu bạn thích Mật mã Da Vinci, bạn sẽ say mê Nhật ký bí mật của Chúa. Nếu bạn ghét Mật mã Da Vinci, bạn sẽ vẫn say mê Nhật ký bí mật của Chúa". Mình muốn kiểm chứng câu nói này vì mình thực sự rất thích Mật mã Da Vinci và mọi tác phẩm của Dan Brown.

Tên gốc của cuốn tiểu thuyết là "The last templar" được dịch sang tiếng Việt với nhan đề mới "Nhật ký bí mật của Chúa". Với bìa sách in tại Việt Nam từ Nhà sách Nhã Nam là hình ảnh một vị hiệp sĩ đền thánh tay cầm khiên và thanh gươm. 




2. Nội dung

Truyện bắt đầu với buổi triển lãm các bảo vật của Vatican tại Viện bảo tàng Metropolitan, bỗng dưng tại đây xuất hiện 4 tên kỵ sĩ mặc trang phục giống như các Hiệp sĩ Đền thánh thời xưa, đến cướp bảo tàng và giết người. Nhân vật Tess là một nhà khảo cổ học luôn khát khao có thể tìm được một "cái gì đó" đủ giá trị lịch sử để làm cho tên tuổi mình được vẻ vang, cô chính là người trực tiếp chứng kiến tên kỵ sĩ thứ 4 lấy đi chiếc máy giải mã hóa cùng câu nói "Veritas vos libera..." (Tiếng Latin: Sự thật sẽ giải phóng cho ngươi). Thế nên cô đã phối hợp với FBI để đi tìm hiểu về vụ việc này. Sau khi FBI vào cuộc, những cái chết của 3 tên kỵ sĩ còn lại lần lượt diễn ra làm hướng điều tra dần chuyển sang nghi ngờ tên kỵ sĩ thứ 4 đã giết người diệt khẩu. Đồng thời Vatican cũng chen chân vào vụ này với lý do đồ đạc của họ đang bị mất, họ muốn tìm lại chúng và muốn biết được chủ mưu vụ này là ai, có âm mưu gì. 

Với sự trợ giúp của cô Tess và người của Vatican thì vụ án dần được sáng tỏ theo một hướng khác, không phải là khủng bố mà là một sự thật đang muốn vươn mình ra thế giới sau hơn 700 năm bị vùi lấp dưới đáy đại dương. Lúc này các phe phái dần hiện rõ, một bên là FBI muốn phá án, một bên là cô Tess chỉ muốn biết sự thật, một bên là Vatican muốn che giấu sự thật và cuối cùng là một bên là tên kỵ sĩ thứ 4 muốn công bố sự thật. 

Đúng như đã được tiết lộ ở tên tiểu thuyết, xuyên suốt câu chuyện Raymond Khoury xây dựng thì tất cả mọi người đều đang đi tìm một bí mật, một sự thật đang bị chôn vùi. Đó chính là cuốn nhật ký viết tay của Chúa Jesus. Vậy cuốn Nhật ký này có gì quan trọng, nó chứa đựng sự thật gì làm Vatican hoảng sợ và như tên kỵ sĩ thứ 4 đã nói là cả thế giới đều xứng đáng được biết sự thật này? 

Tại sao Vatican muốn che giấu đi cuốn Nhật ký viết tay của Jesus, vì cái sự thật mà Vatican muốn che giấu đó là Jesus cũng chỉ là một con người bình thường, Ngài vĩ đại và xuất chúng đó là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên Ngài không phải con của Thượng Đế và Ngài cũng không có phép màu. Ngài vị tha, yêu thương con người, muốn hướng con người đến một thế giới hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên nhân gian đã truyền miệng, đã tự xây dựng tín ngưỡng, đã tự thần thánh hóa mọi thứ lên và tự tay trao niềm tin của mình cho một số người khác nắm giữ quyền lực định đoạt. Vatican sợ rằng khi cái sự thật về con người Jesus bị lộ ra thì Giáo hội sẽ sụp đổ, niềm tin sẽ bị đánh mất và họ không thể nào sửa chữa được những lỗi lầm trong quá khứ đã gây ra khi nhân danh Chúa thực hiện. Sự thật là chẳng có Chúa nào dạy họ phải giết người, phải hại người khác để bảo vệ Ngài hết mình vời lòng tin cả. Chính họ đã mạo danh Ngài để bảo vệ lợi ích của bản thân họ mà thôi. 




Cái kết làm mình khá hụt hẫng vì đã nhiều người phải chết khi đi tìm kiếm cái sự thật này nhưng cuối cùng sự thật đó vẫn lại trở về nơi đáy biển sâu mà thế giới vĩnh viễn không được biết đến nó. Cũng không ai phải trả giá cho những sai lầm kể cả là Vatican. Mình cảm thấy tác giả khai thác tuyến tình cảm của nhân vật quá nhiều và mạch chuyện không được hay như khi nó bắt đầu. Vốn dĩ phải có một cái gì đó được bày tỏ ra ở cái kết nhưng cuối cùng thì 700 năm trước và 700 năm sau chẳng có gì thay đổi cả. Mình không phủ nhận là Giáo hội đang thay đổi, tuy nhiên sự thay đổi đó đáng lẽ phải được bắt đầu từ chính niềm tin của mỗi con người chúng ta, khi mà thế giới được biết sự thật, họ sẽ tự chọn niềm tin cho mình. Thế nhưng có lẽ niềm tin của con người quá yếu đuối, nó sẽ đổ sụp như lâu đài cát khi sóng biển sự thật tràn về, nên tác giả đã lựa chọn một cái kết như vậy, giống như người ta thường nói nếu một sự thật khi nói ra không thay đổi được điều gì thì tốt nhất không nên nói, tác giả đã chọn không nói ra.

3. Ý nghĩa

Thiên Chúa giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới, chính nó đã đem đến cho Vatican một đặc quyền to lớn, đó là được hoạt động độc lập như một quốc gia thu nhỏ trong lòng nước Ý xinh đẹp. Nhưng mọi thứ đều có hai mặt, tôn giáo cũng không phải một ngoại lệ. Không thể phủ nhận được ý nghĩa cao cả tốt đẹp của mọi tôn giáo mang lại cho loài người như những quy chuẩn đạo đức răn dạy con người về lòng vị tha, lòng trắc ẩn, sự đoàn kết, yêu thương, sự tha thứ và sự chữa lành. Tuy nhiên, để bảo vệ cho tôn giáo độc thần của mình cũng như là bảo vệ lợi ích cho chính mình, không ít kẻ đã đeo bộ mặt tôn giáo để điều khiển thế giới, dám nhân danh tôn giáo để gây ra chiến tranh, chết chóc và đau thương. 

Thế giới ngày nay đang dần thay đổi, mặt tối của tôn giáo cũng dần mất đi. Sau khi đọc sách của bác Yuval, mình cũng cảm thấy rằng điều quan trọng nhất không phải là đi theo tôn giáo nào, tôn thờ ai hay chịu chết vì ai, mà hãy tin vào niềm tin của chính mình, hãy sống thiện lương, chân thành và tin vào bản chất của sự vật. Cuối truyện tác giả Raymond Khoury cũng đã có gửi gắm một thông điệp mà theo mình hiểu thì điều đó là: không gì có thể thắng được niềm tin cá nhân, thế nên hãy làm chủ niềm tin của chính mình. Niềm tin không sai, nhưng đừng để niềm tin của mình làm hại người khác.

4. Sự thật lịch sử

Một số chi tiết có thật trong lịch sử được đề cập ở tiểu thuyết, mình tìm hiểu trên Wikipedia (Nguồn):

- Hiệp sĩ Đền Thánh là một trong những dòng tu quân đội Kito giáo nổi tiếng nhất của ngày xưa. Được thành lập từ sau cuộc thập tự chinh thứ nhất năm 1096 để bảo vệ người Châu Âu đi hành hương tới Jerusalem sau khi thành phố này bị xâm chiếm, dòng tu này tồn tại khoảng 2 thế kỷ trong thời Trung cổ

- Arce, thủ đô Kito của Outremer thất thủ vào ngày 18 tháng 5 năm 1291. Nơi đây còn được gọi là "Đất Thánh".

Năm 1305 các thành viên của dòng Đền cuối cùng bị kết án là "dị giáo" và kê gian. Từ đây, Hiệp sĩ Đền thánh bắt đầu bị truy lùng và sát hại gần hết. 

Dưới áp lực của vua Philipp IV, vào ngày 22/03/1312 Giáo hoàng Clemens V giải tán dòng Đền trong cuộc Hội nghị tôn giáo Vienne (Pháp). Tháng 11 năm 1312, Đức Giáo hoàng giao vụ án cho 3 Đức Hồng y, ban xét xử này kết án các hiệp sĩ tù chung thân nếu họ chịu nhận tội. Nhưng giáo trưởng Jacques de Monlay và các chiến hữu quyết liệt phản đối nên họ bị đưa lên giàn hỏa thiêu vào tháng 3 năm 1314. Tài sản của dòng Đền được giao về cho Dòng tu Thánh Gioan sau khi trừ ra một số tiền án phí cao đáng kinh ngạc.

- Ngày nay nơi mà Jacques de Molay bị đưa lên giàn hỏa là một hòn đảo trên sông Seine ở Paris, gần đó có cây cầu Pont Neuf nổi tiếng. Từ cây cầu có thể nhìn thấy rõ một tấm biển tưởng niệm cắm trên đảo: Tại địa điểm này, Jacques de Molay, vị đại Huynh trưởng cuối cùng của Hiệp sĩ Dòng Đền, bị thiêu vào ngày 18 tháng 3 năm 1314. De Molay được người ta nói rằng vẫn tỏ ra thách thức đến chết, ông yêu cầu được trói theo cách mà ông có thể vẫn quay mặt về phía Nhà thờ Đức Bà và tiếp tục giữ các bàn tay của theo tư thế cầu nguyện. Người ta kể rằng trên giàn hỏa đang bốc cháy, Molay liên tục nguyền rủa Giáo Hoàng Clemens V cùng Philippe IV và con cháu ông ta. Chả biết có phải lời nguyền linh ứng hay không mà cả vua Philipp IV và cả Giáo hoàng đều chết ngay sau đó. Philippe IV bị đột quỵ não trong một cuộc chuyến đi săn tại Pont-Sainte-Maxence (Rừng Halatte), và qua đời vài tuần sau đó, vào ngày 29 tháng 11 năm 1314, tại Fontainebleau, nơi ông được sinh ra., còn Giáo Hoàng Clemens V lại chết một cách đáng sợ: Theo một lời kể lại, đêm 20 tháng 4 năm 1314, trời chợt nổi cơn giông, một tia sét đánh bể cả mái ngói nhà thờ, trúng vào giường nằm của ông và phát cháy dữ dội, khi người ta dập được lửa thì Clemens V cũng… ra tro. Sau cái chết của Philippe IV, lần lượt ba người con trai của ông lên nối ngôi vua Pháp nhưng đều yểu mạng và… tuyệt tự (không có con trai nối dõi), đồng thời làm cho vua Anh có cái cớ để đòi quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp, dẫn đến cuộc chiến tranh Trăm Năm nổi tiếng trong lịch sử.


*Lưu ý đây là tiểu thuyết giả tưởng: 

Trong tác phẩm tác giả có xây dựng một giả thuyết là dòng Hiệp sĩ Đền thánh nắm giữ quyển nhật ký viết tay của Chúa Jesus, Giáo hội sợ rằng khi sự thật này bị dòng Hiệp sĩ Đền thánh công bố thì sẽ bất lợi cho Giáo hội. Do vậy Giáo hoàng đã lừa Vua Pháp về kho báu mà dòng Hiệp sĩ Đền thánh che giấu và mượn tay Vua Pháp đổ tội oan cho dòng Hiệp sĩ Đền Thánh nhằm diệt trừ họ và chôn vui bí mật kia. Có lẽ giả thuyết này được xây dựng dựa trên tình tiết về việc vị huynh trưởng cuối cùng của dòng Hiệp sĩ Đền thánh Jacques de Molay trước khi chết đã nguyền rủa cả Giáo hoàng.


5. Cuốn sách này dành cho ai?


Cuốn sách này thích hợp với những ai yêu thích tiểu thuyết trinh thám, những vấn đề liên quan đến bí mật của tôn giáo và đặc biệt với những người yêu thích các tác phẩm của Dan Brown thì đây cũng là một cách nhìn mới khá thú vị. So sánh với Mật mã Da Vinci thì mình nghĩ rằng mỗi tác phẩm đều có một điểm đẹp riêng, vì nó khai thác cái nhìn về tôn giáo theo những khía cạnh khác nhau, về Chén Thánh như Dan Brown hay về Nhật ký như Raymond Khoury, tựu chung lại thì tôn giáo luôn còn rất nhiều những bí ẩn. Cái cách mà Raymond Khoury dẫn dắt người đọc tìm hiểu về Hiệp sĩ Đền thánh, với mình như thế là thành công và trọn vẹn. 


~~~~~~

P.s:


Chia sẻ một chút đó là mình đã đọc hầu hết các phẩm của Dan Brown (trừ "Pháo đài số" chưa có bản sách trong tay nên mình chưa đọc), thì mình thấy rằng ngoài vấn đề tôn giáo, những năm gần đây, đặc biệt là hai tác phẩm gần đây nhất của Dan Brown là "Hỏa ngục" và "Nguồn cội", người ta nói hai tác phẩm này bị mất chất Dan Brown và không còn hấp dẫn, nhưng đối với mình hai tác phẩm mới này ngoài việc khai thác vấn đề lịch sử tôn giáo và nghệ thuật nói chung, nó còn đề cập đến những vấn đề đang rất cấp thiết đối với thế giới hiện nay mà chúng ta cần đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nó. Với "Hỏa ngục" đó là vấn đề gia tăng dân số chóng mặt, gây ra những tệ nạn xã hội, đói nghèo, ô nhiễm môi trường,... Với "Nguồn cội" nó đặt ra câu hỏi "có hay không một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người trên Trái Đất này" và đừng đặt niềm tin vào máy móc, vì chung quy lại máy móc là vô cảm, nó sẽ dùng đủ mọi cách để hoàn thành chương trình đã được cài đặt sẵn mà không thèm quan tâm phương pháp nó dùng có đang giết chết chủ nhân sinh ra nó hay không.


Tiểu thuyết viễn tưởng biết đâu được một ngày nào đó sẽ thành sự thật, một số bí mật bị vùi lấp được xây dựng lại trên những giả thuyết có lẽ nào cũng đúng một phần. Trí tưởng tượng của con người đúng là tuyệt nhất :)).

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...