[Review sách] Home Deus: Lược sử tương lai - Yuval Noah Harari.

 1. Ấn tượng đầu tiên

Trước đó trong cuốn "Homo sapiens: Lược sử loài người" bác Yuval Noah Hirari đã trả lời những câu hỏi liên quan đến việc tại sao con người chúng ta vượt lên trên các loài động vật khác để thống trị thế giới. Đến với tác phẩm thứ hai "Home deus: Lược sử tương lai", bác Yuval Noah Hirari đặt ra câu hỏi rằng sau khi con người thống trị Trái đất này thì họ sẽ làm những gì để thay đổi nó và kết quả mà con người nhận được trong tương lai sẽ là điều gì đang chờ đợi ở cuối con đường sinh tồn. Đây là một dải lụa dài của lịch sử mà sau khi homo sapiens viết lên nửa trước thì chúng ta đang đi tìm đáp án cho nửa sau của lịch sử. Mình đã đến với Home deus vì hiếu kỳ với lời cuối của dải lụa lịch sử này và mình chắc rằng độc giả đến với Homo deus cũng đều có một sự tò mò nhất định như mình vậy.  

"Homo deus: Lược sử tương lai" được mua bản quyền và phát hành bởi Nhã Nam. Với bìa màu đen tuyền và ánh xanh của bộ não con người khắc họa lên một gợi ý nho nhỏ cho câu hỏi về tương lai của chúng ta. 



2. Nội dung

Homo deus được chia làm 3 phần lớn trong đó có 11 chương nhỏ:

Tại chương 1, những vấn đề mới cần giải quyết của loài người. Trong quá khứ loài người chúng ta nhờ vào việc vượt trội hơn trong khả năng hợp tác làm việc với nhau mà đã đứng lên thống trị thế giới, tuy nhiên sau đó con người phải đối mặt với ba vấn đề lớn do chính mình gây ra đó là: nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh. Biết được lỗi của mình, nhờ vào sự linh hoạt trong bản chất, phát triển kinh tế đã giúp loài người thoát khỏi bàn tay của ma đói, sau đó loài người cho ra đời vắc-xin, dịch bệnh từ đó không còn là sự ám ảnh và cuối cùng khi vũ khí hạt nhân ra đời, nó kéo loài người ra khỏi ảo tưởng dùng chiến tranh để độc chiếm quyền lực. Khi đó Hòa bình mới được thiết lập, một thứ hòa bình mà người người đều hướng tới, nó mỏng manh đến nỗi không ai thực sự dám chạm mạnh vì sợ bong bóng hòa bình sẽ vỡ nát. Trong không gian này, con người bắt đầu mơ những giấc mơ mới, điên cuồng và tham vọng hơn thế kỷ trước rất nhiều, nhưng con người biết họ có thể, rồi những giấc mơ đó sẽ thành sự thật vào một ngày nào đó, chỉ là lúc này con người có còn kiểm soát được giấc mơ của mình hay không thì không ai có thể trả lời. "Thành công đẻ ra tham vọng" loài người bắt đầu tìm kiếm đến những chân trời mới và đặt ra ba vấn đề mới trong tương lai: sự bất tử, sự khoái cảm (hạnh phúc) và sự toàn năng. "Ngày tàn của Thần chết", "Quyền được hạnh phúc", "Những vị thần trên Trái Đất" là những cái tên mà bác Yuval dùng để đặt cho những giấc mơ mới của loài người. Vậy thiên đường giấc mơ có thực sự vĩnh hằng như thế hay không thì hãy để bác Yuval dẫn chúng ta đi qua tiến trình thực hiện giấc mơ và đi tìm câu trả lời cuối cùng.

Phần I: Homo sapiens chinh phục thế giới. Phần này bao gồm hai chương là "2.Thế nhân tâm" và "3.Nét chói sáng của con người". Theo mình thì tại Phần I bác Yuval cũng nhắc lại khá nhiều các chi tiết lịch sử của loài người và có thể coi phần này là bản tóm tắt ngắn gọn của cuốn "Homo sapiens: Lược sử loài người" để làm bước tiền đề dẫn dắt chúng ta đến Phần II. Tại chương 2, bác Yuval kể về việc Homo sapiens đã hoàn toàn viết lại luật chơi trên hành tinh này khi xây dựng nên một khái niệm mới về một trật tự tưởng tượng chung mà chỉ con người mới có thể nắm bắt được điểm mấu chốt và sau đó dẫn đầu những loài khác. Cũng chính con người vịn vào sự ra đời của khoa học và công nghiệp, đã tự cho rằng mình thượng đẳng và có quyền quản lý sự sống chết của các loài vật sống khác trên hành tinh nhỏ bé này. Nhưng bản chất bí mật của vũ trụ này là gì, có thực sự là loài người đặc biệt như thế hay không, hay tất cả loài vật kể cả con người cũng chỉ là những thuật toán mang tính chất kỹ thuật mà tạo hóa đã lập trình sẵn và đặt vào vũ trụ to lớn này mà thôi. 

Chương 3 nghiên cứu bản tính và quyền năng của homo sapiens. Có hai thứ con người luôn tự hào là chỉ mình có: ý thức và linh hồn. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều từng nghe một câu nói đầy mỉa mai như này: con người khác con vật ở chỗ nào, đó chính là con người có phần con và phần người còn con vật thì không. Nào ai để ý rằng tất cả chỉ là cách gọi và homo sapiens tự đặt ra để nâng giá trị của mình lên, homo sapiens đâu biết được các loài vật khác có hay không cũng coi thường con người như cách con người coi thường chúng vậy. Thế rồi Charles Darwin đã tát một cái thật mạnh vào bộ mặt thế giới và làm con người tỉnh ngộ khỏi ảo mộng về linh hồn. Chẳng có sự thượng đẳng kỳ diệu nào về linh hồn cả vì vốn dĩ làm gì có linh hồn, theo góc độ tiến hóa thì "thứ gần nhất với một bản chất người là ADN của chúng ta, và phân tử ADN là phương tiện của đột biến chứ không phải là ghế ngồi của vĩnh hằng. Điều này khiến nhiều người kinh hãi và họ thà chối bỏ thuyết tiến hóa còn hơn từ bỏ linh hồn mình" ☺. Khác với câu trả lời rõ như ban ngày về sự tồn tại của linh hồn thì ý thức lại là một câu hỏi mà giới khoa học đang đi tìm câu trả lời và vẫn còn nhiều tranh cãi. Họ đang đi tìm những đáp án vừa lòng thế giới và vứt những đáp án không hài lòng vào "thùng rác khoa học" đồng thời quá trình đó không ngừng gây tổn thương lên các loài động vật khác. Con người dùng sự linh hoạt của mình để tạo ra những thế giới liên chủ quan (những thứ tưởng tượng nhưng được nhiều người cùng tin vào sự tồn tại của nó là thực) bao bọc con người trong vòng tay của vũ trụ tưởng tượng. Vậy vũ trụ này được con người xây dựng như thế nào?

Phần II: Homo sapiens mang lại ý nghĩa cho thế giới. Bao gồm 04 chương chứa đựng câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra là "Con người đã tạo ra kiểu thế giới gì?" "Làm thế nào con người lại tin rằng họ không chỉ đã kiểm soát thế giới, mà còn mang lại ý nghĩa cho nó?" "Làm thế nào chủ nghĩa nhân văn - chủ nghĩa loài người - lại trở thành tôn giáo quan trọng nhất trong mọi tôn giáo?".

Chương 4, những người kể chuyện. Mọi chuyện bắt đầu từ 70.000 năm trước, Cách mạng nhận thức đã cho phép con người nói về những thứ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Tiếp đến vào 12.000 năm trước, Cách mạng Nông nghiệp cung cấp nền tảng vật chất để con người mở rộng và củng cố mạng lưới liên chủ quan của mình thế nhưng lại bị vấp phải một hòn đá ngăn cản - không xử lý và lưu trữ những thông tin này được. Thế rồi 5.000 năm trước chướng ngại vật đã bị vượt qua bởi người Sumer cho ra đời cặp song sinh không thể tách rời là chữ viết và tiền. Nó ra đời với mục đích hỗ trợ con người trong việc lưu truyền các trật tự tưởng tượng liên chủ quan, nhưng lâu dần chính đứa con đó lại đang kiểm soát toàn bộ cuộc sống của cha mẹ loài người của mình. Chúng làm con người mất đi khả năng phân biệt "thực tế " và "hư cấu". Bác Yuval có chỉ ra một cách để phân biệt điều này rằng hãy tự hỏi mỗi thực thể tồn tại trên Trái Đất này rằng "nó có đau đớn không?". Những câu chuyện, ngân hàng, chiến tranh, đất nước, thần linh,... chỉ là công cụ hư cấu, tiền nào có biết đau, nhưng con người sẽ thực sự biết đau. Không nên coi những thứ hư cấu là mục tiêu sống và thước đo của mỗi chúng ta, hãy để chúng phục vụ chúng ta chứ đừng để chúng ta sống chỉ vì phục vụ chúng. 

Chương 5, cặp đôi lệch lạc. Có một cặp vợ chồng luôn dựa trên những câu chuyện tưởng tượng để duy trì thế giới đó là khoa học và tôn giáo. Mặc dù chúng chẳng ưa gì nhau, luôn xảy ra xung đột cãi vã, thế nhưng chúng vẫn chấp nhận nằm chung giường và không chịu ly hôn, vì chúng cùng hướng tới một thứ lợi ích không hề nhỏ đó là nắm lấy quyền năng quản lý trật tự thế giới. Luôn tồn tại một vòng tuần hoàn về việc tôn giáo sống ký sinh vào những câu chuyện để tạo dựng và gìn giữ cấu trúc xã hội, còn khoa học đi chứng minh tính thực giả của câu chuyện đó và hướng tới cây quyền trượng đánh thắng chiến tranh, bệnh tật và sản xuất ra thực phẩm. Thế rồi chúng hiểu ra chúng phải có nhau mà không thể chia tách vì thứ chúng thích là trật tự và quyền năng chứ không phải những sự thật trần trụi không có giá trị lợi dụng. Chúng đồng ý ký một cam kết với nhau để sinh ra đứa con bé bỏng đã mang ý nghĩa cho thế giới loài người - chủ nghĩa nhân văn. 

Chương 6, thỏa ước hiện đại. Như đã biết về hàng ngàn năm lịch sử phong kiến - cận đại trước đó thì một khái niệm đã ăn sâu vào máu của loài người và cũng là cách thế giới đã vận hành, khái niệm về "tổng bằng không" - nó được hiểu là các hệ thống tự nhiên luôn tồn tại trong trạng thái cân bằng, một người chỉ có thể giàu lên dựa trên sự mất mát của một người khác. Tuy nhiên thỏa ước ra đời, con người bắt đầu cùng tin vào một khái niệm liên chủ quan mới - sự tăng trưởng kinh tế. Nó đã trở thành một giao điểm vô cùng quan trọng góp phần nắm tay mọi người và đưa họ đến một thiên đường khác đầy đủ hơn. Người ta sẽ không vì bản thân có được mà làm cho ai đó đau khổ nữa, ngược lại hai bên cùng bắt tay cùng có lợi. Thế thì cái phần tội lỗi đau đớn kia ai sẽ gánh thay con người? Chính xác, Trái Đất. Nền kinh tế hiện đại đã kéo theo sự sụp đổ sinh thái vô cùng nguy hiểm, không chỉ là hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm rác thải, tài nguyên cạn kiệt mà còn là sự sống của các loài sinh vật khác đang bị đe dọa,... tất cả vũ trụ đều đang trả nợ thay loài người. Bên cạnh đó, lòng tham của con người không chỉ dừng lại ở một mức độ tăng trưởng kinh tế nhất định mà con ngươi luôn muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, tiến xa và tiến xa hơn nữa, dẫn tới một hệ quả khác là mối liên kết giữa người và người cũng dần bị nhạt nhòa và tách rời, hiểu đơn giản thì giữa công việc và gia đình sẽ luôn có một thứ bị bỏ rơi. Như vậy, tăng trưởng kinh tế thì cũng tốt đấy nhưng nó lại tiềm tàng nhiều hiểm họa, giống như chúng ta đang chạy trên một con đường cao tốc mà dù muốn hay không chúng ta cũng chẳng thể đạp phanh để dừng lại tránh hết các chướng ngại vật phía trước. Cho nên, "tổng bằng không" là quy luật bất thành văn, chỉ là vũ trụ đang đòi dần phần nợ máu này mà thôi. 

Chương 7, cuộc cách mạng nhân văn. Thỏa ước hiện đại kia đã giúp con người có quyền năng vượt quá những khó khăn vật chất, vậy lẽ nào loài người chấp nhận từ bỏ niềm tin vào vũ trụ vĩ đại mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hay sao (ý nói ở đây là: người xưa tôn thờ thiên nhiên mang lại niềm tin vào cuộc sống của họ, hiện tại chính con người đang giết chết mẹ thiên nhiên thì họ có từ bỏ phần ý nghĩa cuộc sống kia hay không). Câu trả lời là không, loài người luôn biết tìm cách lách luật, họ sẽ tìm ý nghĩa của cuộc sống mà không cần đến vũ trụ. Chính từ đây, chủ nghĩa nhân văn ra đời mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một thứ chủ nghĩa tôn thờ loài người tuyệt đối với một điều răn duy nhất rằng: hãy tạo ra ý nghĩa cho một thế giới vô nghĩa. "Chủ nghĩa nhân văn thuyết phục chúng ta rằng con người mới là nguồn gốc tối thượng của ý nghĩa, rằng do đó ý chí tự do của chúng ta có thẩm quyền cao nhất". Thế rồi, mọi thứ không dừng ở đó, ba đứa con của chủ nghĩa nhân văn ra đời và rẽ vào những định hướng cuộc sống khác nhau, chúng chia tách con người thành ba nhóm "chủ nghĩa nhân văn tự do" - đề cao cái tôi cá nhân; "chủ nghĩa xã hội" - đề cao tính tập thể, tính dân tộc; cuối cùng là "chủ nghĩa nhân văn thuyết tiến hóa" - đề cao sự thượng đẳng, phân biệt chủng tộc. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh thế giới, các xung đột tôn giáo và sự phát triển của khoa học công nghệ. Và rồi sau nhiều đấu tranh để thừa hưởng di sản từ người mẹ chủ nghĩa nhân văn, cuối cùng chủ nghĩa tự do chiến thắng, tuy vậy thì nó vẫn chẳng thể làm chủ sân khấu thế giới vì bản chất mọi thứ đều có hai mặt, nó không hoàn hảo, thế nên chủ nghĩa tự do chiến thắng nhưng lại chịu sự điều khiển của tư bản phía sau dẫn đến sự ra đời của công nghệ hiện đại. Nhưng có thật là công nghệ đưa chúng ta đến tự do hay tự do bị điều khiển bởi công nghệ? 

(Với mình chương 7 là chương đắt giá nhất của cuốn sách này, vì đọc đến hết chương 7, trong đầu mình mới tràn ra ánh sáng của sự thấu hiểu :))) ☺

Sự kích động sau khi đọc xong chương 7 của mình :))

Phần III: Homo sapiens mất kiểm soát. Gồm 04 chương, bao gồm câu trả lời cho các câu hỏi sau "liệu con người có thể tiếp tục thống trị thế giới đồng thời mang lại ý nghĩa cho nó?", " công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo đe dọa chủ nghĩa nhân văn ra sao?", "ai có thể kế thừa loài người và tôn giáo mới nào có thể thay thế chủ nghĩa nhân văn?".

(Cảnh báo: từ chương này trở đi có thể mình viết hơi khó hiểu vì phần III mình chưa "bắt sóng" được với suy luận của bác Yuval)

Chương 8, quả bom hẹn giờ trong phòng thí nghiệm. Chủ nghĩa nhân văn tự do dạy chúng ta rằng con người được tự do về ý chí, được tự do lựa chọn điều mình muốn. Thế nhưng sự thật thì chỉ có một, thuyết tiến hóa đã chỉ ra rằng không hề tồn tại tự do về ý chí. Bản thân con người không tự chọn cái họ muốn mà họ chỉ chọn cái họ cảm thấy do rất nhiều nhân tố trước đó thúc đẩy và hành động tương xứng với cảm nhận. Vậy những nhân tố đó là gì? Chúng ta sẽ được đi tìm hiểu sâu hơn về hai bán cầu não là bán cầu não trái và bán cầu não phải tương ứng với vị trí bản thể trải nghiệm và bản thể kể chuyện trong mỗi con người chúng ta. Liên quan đến quá trình con người tự xây dựng ý nghĩa cho cuộc sống thì hai bản thể trên có vai trò vô cùng quan trọng. Hai bản thể này hỗ trợ nhau, bản thể trải nghiệm hành động, sau đó giao lại kết quả cho bản thể kể chuyện, từ đó bản thể kể chuyện có tư liệu để thêu dệt lên những ý nghĩa mới. Có rất nhiều thứ là vô nghĩa, thế nhưng con người sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận rằng điều mình làm là ngớ ngẩn vô ích, thế nên họ lựa chọn tin những câu chuyện. 

(Vấn đề này vô cùng thiết thực: ví dụ như khi mình thi thố thất bại hoặc bết bát, buồn lắm nhưng cũng an ủi bản thân rằng đã cố hết sức rồi, kiểu như thế chính là bản thể kể chuyện đang đi biện minh cho hành động trước đó của mình. Để phân tích chính xác cái gì mới là thực thì hơi khó vì nếu không có bản thể kể chuyện thì nhiều người sẽ cứ rơi mãi vào tuyệt vọng, thế nhưng nhiều khi bản thể kể chuyện đưa chúng mình đi xa thực tại quá. Tóm lại, ranh giới của sự nhận biết mong manh lắm :(().

Chương 9, cuộc tách đôi vĩ đại. Tại chương này bác Yuval viết về những hệ quả mang tính thực tiễn của khoa học. Trước giờ con người tự hào vì bộ não tinh vi của mình bao gồm hai phần không tách rời đó là ý thức và trí tuệ. Thế nhưng công nghệ ra đời dẫn đến việc hai phần này bị tách biệt và vật chủ chiếm thế thượng phong trong mảng trí tuệ đã về tay AI. Trong tương lai với nhiều ngành nghề mà nói, ý thức là một thứ không còn cần thiết, miễn là công việc được hoàn thành chứ không cần quan tâm nó được hoàn thành bằng cách nào (*có thể đọc "Nguồn cội" của Dan Brown để hiểu sâu sắc hơn một viễn cảnh về AI không cảm xúc sẽ đưa con người đến bờ vực tuyệt chủng như thế nào). Sẽ đến một ngày nào đó không xa tới đây, một bộ phận người sẽ trở thành giai cấp vô dụng vì phần lớn máy tính đã vượt con người về trí thông minh và con ngươi cũng đang tự giết mình bằng cách chuyên môn hóa bản thân (chỉ có thể làm được một việc). Bên cạnh đó, con người đang trao quyền cho máy tính quá nhiều, chúng ta ra lệnh nhưng chính chúng ta lại làm theo hướng dẫn của máy tính, vậy rốt cuộc là ai đang điều khiển ai đây? Nếu chúng ta cứ khăng khăng rằng mình tự do ý chí, mình không phải một thuật toán được tạo hóa cài đặt sẵn, vậy thì tại sao chúng ta lại nghe theo mọi chỉ dẫn của một máy tính do chính con người chế tạo ra từ nhiều thuật toán. 

Có 03 thực tiễn chủ yếu là: (1) Con người sẽ không còn hữu dụng về kinh tế và quân sự, (2) Hệ thống sẽ vẫn tìm thấy giá trị trong loài người nói chung nhưng không phải trong các cá nhân độc nhất, (3) Hệ thống sẽ vẫn tìm thấy giá trị trong một số cá nhân độc đáo nhưng những người này sẽ chỉ là một phần nhỏ giới tinh hoa đã được nâng cấp mà thôi. 

Khi các phát hiện khoa học và phát triển công nghệ rơi vào tay giới tinh hoa thì chủ nghĩa tự do sẽ hoàn toàn sụp đổ. Lối đi nào cho con người ở phía trước?

Chương 10, đại dương ý thứcVề bản chất, khoa học cho rằng tam thê tứ thiếp là chuyện bình thường vì tôn giáo luôn đa dạng và thay đổi. Khoa học chỉ chịu chung chạ với thứ tôn giáo mà theo kịp bước chân và giúp sức được cho nó mà thôi. Tôn giáo tự do sụp đổ khoa học cũng không sợ vì đã từ sớm nó biết rằng người tiếp theo ở bên cạnh nó sẽ là tôn giáo công nghệ đầy tiềm năng. Tôn giáo công nghệ được sinh ra từ Thung lũng Silicon hứa hẹn đem lại một chủ nghĩa mới nhưng vẫn giữ được bản chất của chủ nghĩa nhân văn tự do, đó là chủ nghĩa nhân văn công nghệ, vẫn xem con người là tối thượng nhưng chủ trương đưa con người trở nên ưu việt hơn nhờ vào công nghệ - nâng cấp trí tuệ của con người. Tuy nhiên công nghệ muốn cắt đứt sự tối thượng này và lên làm chủ thực sự của vũ trụ, nó lên tìm đồng mình nào để bắt tay đây?

Chương 11, tôn giáo dữ liệu. Dữ liệu giáo có hai chức năng chính là (1) sản sinh và tiêu thụ thông tin; (2) kết nối vạn vật - dữ liệu số. Từ đây tạo ra sự tự do thông tin toàn cầu. Tuy nhiên nó cũng đang biến mỗi cá nhân thành một bit dữ liệu trong bộ máy tính to lớn của vũ trụ. Thông tin cá nhân trở thành vật báu duy nhất của con người, thế nhưng chúng ta đang phơi bày nó ra cho thiên hạ nhòm ngó. Hiện nay, thế giới đang vận hành theo một châm ngôn mới: ghi lại, tải lên và chia sẻ. Vậy chúng ta đang là ai và đứng trong vũ trụ này với vai trò là gì? Người điều khiển hay kẻ bị điều khiển? 

"Homo deus: Lược sử tương lai" là một cuốn sách dài, nặng về tri thức lịch sử và nhìn đến tương lai. Bài review của mình chỉ là một phần nhỏ từ góc nhìn của mình về cuốn sách cũng như là về các sự kiện lịch sử thế giới. Cũng hi vọng rằng những lần đọc sau mình sẽ hiểu sâu hơn hoặc có cái nhìn chính xác hơn về các vấn đề này. Cả cuốn sách đọng lại trong mình một vài câu mà bác Yuval đã viết nhưng nó có ý nghĩa bao quát rất lớn: 

" Ta cần tập trung chú ý vào đâu?...

(Hãy) Cho phép chúng ta hành động khác đi (thứ mà số đông mọi người đang theo đuổi).

Vào thời cổ đại có quyền lực nghĩa là được tiếp cận thông tin. 

Ngày nay có quyền lực nghĩa là biết phải buông bỏ cái gì".

(Homo deus, Yuval Noah Harari, tr.471)

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2020.

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...