[Review sách] Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata.

1. Ấn tượng đầu tiên

Mình bắt gặp “Chiến binh cầu vồng” trong một lần sang chơi nhà bạn. Cô bạn thân đã gợi ý mình đọc cuốn này vì nó rất hay và ý nghĩa. Mình ấn tượng từ tên sách đến bìa sách, cũng như cái tên đặc biệt của nó mang màu sắc của cầu vồng rực rỡ nội bật trên phần bìa sách màu đen với hình ảnh hai em nhỏ đang đèo nhau trên một chiếc xe đạp tồi tàn. Liệu nội dung của sách có kể về những chiến binh dũng cảm đang cố gắng bảo vệ một kho báu giá trị nào đó hay không?




2. Nội dung

Cuốn truyện bao gồm 48 chương kể về hành trình đi tìm ánh sáng của những con người nghèo khổ nơi đảo Belitong, Indonesia. Chính xác hơn đây là câu chuyện cũ của tác giả kể lại nhằm gửi gắm một thông điệp lớn lao: Mọi công dân đều có quyền được học tập.

Đảo Belitong, Indonesia là một hòn đảo ngọc đối với giới tư sản, vì ở đó có chứa trữ lượng lớn một loại tài nguyên thiên nhiên rất đắt đỏ vào thời đó - Thiếc. Tuy nhiên, với người dân nghèo trên đảo, thiếc là thứ gông cùm mà họ phải đeo mỗi ngày, họ cật lực làm việc cho Điền trang để đánh đổi lại chỉ là một cuộc sống nghèo khổ và tạm bợ. Cái nghèo kéo từ đời cha ông đến đời con cháu vẫn cứ thế mà chẳng thấy tương lai hay ngày mai. Nơi đảo Belitong đó, trẻ con nhà nghèo không có cơ hội được đi học vì hai lí do chính: thứ nhất là do cha mẹ chúng không có tiền cho chúng đi học, thứ hai là trẻ con như chúng cũng có thể làm thuê rất nhiều việc để có tiền hỗ trợ gia đình. 

Ngôi trường làng mang tên Trường tiểu học Muhammadiyah có hai con người đã nỗ lực đưa tri thức đến với bọn trẻ, giúp chúng có thể tự tin vào ước mơ và tương lai tươi sáng hơn ở phía trước, đó là thầy Harfan và cô giáo trẻ Mus. Lớp học nhỏ ban đầu có 10 học sinh, sau đó là 11 học sinh. Chúng tự xưng là những chiến binh cầu vồng, đã cùng thầy Harfan và cô Mus đi tìm kiếm biển trời tri thức, trên con đường đi đó họ đã phải trải qua biết bao khó khăn, từ việc nỗ lực đến trường mỗi ngày của các em, băng qua rừng sâu tăm tối, băng qua dòng sông hiểm nguy đầy cá sấu, ban ngày học tập tối về đi làm thuê, sự đe doạ từ phía Viên thanh tra Bộ giáo dục về việc sẽ cho đóng cửa ngôi trường, hay sự đe doạ từ Điền trang về việc lật đổ ngôi trường để khai thác Thiếc,... và còn cả sự nghèo nàn, xập xệ về cơ sở vật chất của ngôi trường. Tất cả đều đang đe doạ đến sự nghiệp học tập của các em và mong muốn được giảng dạy của hai thầy cô. 

Câu chuyện về những chiến binh cầu vồng không chỉ kể về những khó khăn đó mà cũng như cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa u tối, nó còn kể về những khúc ca trong trẻo vượt khó của bọn trẻ. Về cậu bé Lintang ham học và thông minh, về Mahar với thiên phú nghệ thuật vượt trội, về Harun luôn mỉm cười yêu đời, về A Kiong với chiếc đầu vuông như hình hộp, về Samson luôn thể hiện bản chất của nam nhi, về Trapani đẹp trai sáng sủa, về Syahdan lười học thích chơi, về Kucai nhà chính trị gia tương lai, về Sahara đanh đá tốt bụng, về Flo mạnh mẽ mơ màng và về Ikal - tác giả của câu chuyện, một người giàu tình cảm yêu thương. Bên cạnh đó, là sự hy sinh hết mình cho sự nghiệp giáo dục cho ngôi trường nhỏ của người thầy Harfan, người thầy đã vào rừng đốn cây về dựng lên ngôi trường, người đã dành trọn cuộc đời để giúp tụi nhỏ biết về chân trời tri thức, và cô Mus, người đã vực dậy tinh thần và cổ vũ các em trong những lúc khó khăn nhất, người đã không quản ngày đêm làm thêm thật nhiều để có tiền mua dụng cụ học tập cho các em và giúp các em có thể đến trường. 

12 năm sau khi tốt nghiệp Trường tiểu học Muhammadiyah, 11 đứa trẻ năm xưa đều có cho mình một lối đi riêng, đáng tiếc rằng Kế hoạch A của chúng đều chẳng được như mong muốn, thứ chúng từng ghét nhất, hiện tại là thứ chúng phải chịu đựng mỗi ngày. Ngôi trường nhỏ cũng đã phải đầu hàng trước sự vô tình của thiên nhiên. Thế nhưng huyền thoại về nó không dừng ở chiếc cột trụ chống trời đó, mà nó gắn kết cùng 11 số mệnh khác nhau đang nối tiếp và mang theo đó là một thông điệp sâu sắc: mọi công dân đều có quyền được học tập.

Thứ kho báu vô giá mà các chiến binh cầu vồng bảo vệ, không chỉ là ngôi trường mà còn là con đường tri thức, là quyền được đón nhận sự giáo dục đầy đủ nhất. 

3. Ý nghĩa

Ngoài việc đề cao sự nghiệp học hành là điều mà mỗi con người đều có quyền được thụ hưởng thì tác giả còn nói về một hiện tượng khác, đó là chủ nghĩa thực dụng trong giáo dục. Ngày nay, giáo dục hiện đại không còn giữ quan điểm về việc tìm kiếm tri thức chân chính nữa mà họ tập trung vào việc tạo thành tích, tìm kiếm học vị và quyền lực. Giáo dục đã không còn giữ được bản chất thanh thuần của nó muốn truyền đạt nữa rồi. 

Lúc trao tay cuốn sách này cho mình, cô bạn thân có nói với mình rằng, không biết nên nói sao về cái kết của câu chuyện này, là vui hay buồn, nó cũng không chắc. Và ngay cả bản thân mình khi đọc đến trang cuối của “Chiến binh cầu vồng”, mình cũng không biết nên nói sao cho phải, vì có lẽ con người sẽ chẳng thể thoát khỏi cái nghèo cái khổ nếu chỉ nhờ vào giáo dục được, một phần vì giáo dục cũng cần tiền, thế nên nếu có thể được đi học, có cơ hội được học, hãy làm cho tử tế và trân trọng. Điều đáng buồn nhất là đủ năng lực nhưng lại không được trao cơ hội. Đáng tiếc. 




Theo Hiến pháp Nước Cộng hoà Indonesia, Điều 33 ghi nhận: “Mọi công dân đều có quyền học hành”.

Theo Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 39 ghi nhận: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...