[Dịch] Bạn có nhìn thấy một con gà không?

1.西竹书院 - Học viện Tây Trúc.

Nội dung chính: Trong cuộc đời của mỗi người thì đều có những trải nghiệm không giống nhau. Từ đó tạo thành những góc nhìn và quan điểm khác nhau về cuộc sống. Thế nên đừng bao giờ tranh luận với những người có lập trường đối lập với bạn. Bên cạnh đó, trong thời đại hiện nay, đừng dễ dàng phủ định quan điểm của người khác đã trở thành một loại phép lịch sự căn bản. Trước khi phủ định điều gì đó, làm ơn hãy suy nghĩ kĩ ba lần rồi mới nói (否定的话请三思而后行).

Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, tôi chia sẻ cùng các bạn điều này. Khi cùng người khác thảo luận một chủ đề nào đó, chúng ta sẽ thường đề cập tới vấn đề về góc nhìn của mỗi người ra sao. Ví dụ như điện ảnh, truyền hình, thậm chí là minh tinh, giới giải trí, vân vân... Điều cơ bản phải nhớ trong lúc nói chuyện là đừng phủ định quan điểm của người khác. Cho dù bạn đã không thể nhẫn nhịn được nữa, nhưng đừng tùy tiện phủ định bất cứ điều gì. Bởi vì khi phủ định xong, bạn cho rằng bạn có thể thay đổi được người ta sao? Hoàn toàn không có chuyện đó. Kết quả cuối cùng chính là cuộc tranh luận của các bạn càng ngày càng gay gắt. 

Tôi sẽ phân tích thông qua một câu hỏi rất thú vị như sau: bạn có nhìn thấy một con gà không? Đây là một câu mà trong học viện điện ảnh thường xuyên nói qua. 

Có một nhà văn nổi tiếng tên là Siegfried Kracauer, ông viết một quyển sách với tựa đề "Bản tính của điện ảnh". Trong quyển sách này, ông đưa ra một ví dụ vô cùng hay, có một vị đạo diễn nổi tiếng quay một bộ phim ngắn có thời lượng tầm 5-10 phút, quay về nội dung gì vậy? Đại loại nội dung cũng không có gì ngoài quang cảnh thành phố rộng lớn với những tòa nhà cao tầng, quán xá, nhà hàng, nam thanh nữ tú các kiểu. Sau đó vị đạo diễn muốn đem đoạn phim ngắn này cho ai xem đây. (Ông ta) đưa cho những người thổ dân Châu Phi, những người mà còn quấn chiếu cỏ che thân ấy, họ chưa từng được tiếp cận qua với văn minh khai hóa mà đúng không? Ông ta muốn biết sau khi những người dân đó xem xong sẽ có phản ứng gì. Kết quả là sau khi những thổ dân xem xong, ông ta phát hiện họ đang hào hừng thảo luận về một con gà. (Nhưng) vấn đề ở đây là vị đạo diễn này trước giờ chưa từng nhận thức được rằng trong bộ phim của mình có xuất hiện một con gà. Thế là ông  ta thấy rất nghi hoặc, mới trở về tua lại thật kĩ từng cảnh từng cảnh một, kéo chậm rãi từng thước phim (để tìm hiểu sự việc), cuối cùng cũng phát hiện một con gà tại một góc quay nhỏ. Mà cảnh quay con gà này xuất hiện chỉ thấp nhất là 8 khung hình(tiếng Anh là 8 frame). Có ý gì nào? Trong điện ảnh một giây có 24 khung hình liên tục chuyển động. Nếu như một sự vật xuất hiện chỉ trong 8 khung hình, một người bình thường sẽ không thể cảm nhận được sự tồn tại của sự vật đó, thế nhưng những người thổ dân lại chú ý tới, vì sao vậy, nguyên nhân rất đơn giản thôi, bởi vì con gà là thứ quen thuộc nhất với họ và họ chỉ nhận ra được mỗi con gà, những thứ các bạn nhìn thấy như tòa nhà cao tầng, với họ mà nói bởi vì không thân thuộc nên chúng chỉ là phông nền, vô hình chung con gà thân thuộc kia lại trở thành nhân vật chính. 

Thế là từ đó trong học viện điện ảnh bắt đầu xuất hiện câu nói: bạn có nhìn thấy một con gà không? Câu nói này mang ý nghĩa gì? Mỗi người chúng ta trong lúc đọc một tác phẩm, trong lúc xem một bộ phim, thứ chúng ta nhìn thấy được chỉ là con gà trong mắt mình thôi, thứ bạn thực sự thấy chỉ là con gà đó mà thôi. Cái mấu chốt quyết định con gà trong mắt bạn là gì, chính là văn hóa của bạn, hoàn cảnh của bạn, kết cấu tri thức của bạn. Cũng là toàn bộ những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn. Nghĩa là, sẽ có lúc bạn phát hiện ra rằng, ví dụ đối với một tác phẩm, người này nói tác phẩm truyền tải thông điệp này, người kia nói không, tác phẩm biểu đạt ý nghĩa khác. Hai người này không ngừng tranh luận qua lại, kết quả của cuộc tranh luận như thế nào không quan trọng, mấu chốt là bạn có thể thấy được người ta căn cứ trên nguyên nhân nào, dựa trên bối cảnh ra sao mà đưa ra kết luận đó, cái này mới là điều vô cùng quan trọng. 

Sẽ có lúc bạn nhận ra rằng những người khác nhau trong cuộc sống thường ngày đều sẽ phát sinh tranh luận. Kỳ thực kết quả tranh luận căn bản không phải là điều gì quan trọng, mà quan trọng nhất là cái gì, trong nhận thức của hai người luôn luôn có khác biệt, mà điểm khác biệt đó mới là nguyên nhân dẫn đến tranh luận. 

=> Mới sáng sớm đã có rất nhiều sinh viên gửi tin nhắn cho tôi nói rằng bài giảng của tôi lên hotsearch. Thực sự thì ví dụ này cũng được Siegfried Kracauer bàn luận trong quyển "Những đồ vật mà trong điều kiện bình thường không nhìn thấy" trích dẫn một báo cáo của Madison, rất nhiều năm trước trong một bài giảng về bình luận điện ảnh thì Giáo sư Đới Cẩm Hoa đã có nêu ra ví dụ này. Sau khi tôi tìm được nguồn của nó thì cảm thấy vừa hay nó thích hợp sử dụng để nói về góc nhìn vấn đề của người đọc, cũng từ đó làm rõ một đạo lý, chính là: thứ bạn nhận ra được, thường thường không quyết định bởi thực tế diễn ra như thế nào, mà quyết định bởi bạn có thể nhìn thấy cái gì trong thực tế đó. Sau này trong tiết Lý luận văn học có giảng rồi. Điều thú vị là không ngờ ví dụ này lại lên hotsearch, hoặc có thể nói lên rằng trong hoàn cảnh mạng xã hội hiện này thì càng cần góc nhìn nhận thức này rồi.         

* Khung hình được Baidu giải thích như sau: khung hình là đơn vị cơ bản của phim, mỗi khung hình dài 1/24 giây, một bộ phim dài nửa tiếng có tầm 43000 khung hình.

** Link gốc bài giảng về vấn đề này: 

Ảnh chụp bài giảng

Weibo của thầy giáo

2. 曾仕强学堂 - Trường học Tăng Sĩ Cường.

Nội dung chính: Giáo sư Tăng Sĩ Cường kể câu chuyện điển tích về 3 mùa. Với hàm ý đừng tính toán tranh luận với người không cùng lập trường với mình, cũng đừng phủ định quan điểm của người khác, tranh luận sẽ không mang lại kết quả tốt, càng tranh luận càng dẫn đến bất hòa lớn hơn. 

Trích "百家讲坛" - Diễn đàn Bách Gia:

Vào một ngày nọ, một học trò của Khổng Tử đang quét dọn ở bên ngoài thì gặp một vị khách lạ. Vị khách hỏi cậu học trò:

- Ngươi là ai? 

Cậu học trò đầy tự hào trả lời:

- Ta là học trò của Khổng lão sư tiên sinh.

- Thế thì tốt quá rồi, ta có thể thỉnh giáo ngươi một vấn đề được không?

- Có thể - Cậu học trò vừa nói vừa nghĩ trong lòng rằng, không biết người lạ này muốn hỏi vấn đề kỳ lạ gì đây.

Thế là vị khách này hỏi:

- Rốt cuộc một năm có mấy mùa?

- Điều này còn phải hỏi sao? Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

- Không đúng - vị khách phản bác lại - một năm chỉ có ba mùa thôi.

- Ngươi có nhầm lẫn gì không, bốn mùa mới đúng.

- Ba mùa.

...

(Tranh cãi qua lại mãi không có kết quả) Cuối cùng hai người cùng thỏa thuận với nhau và đồng ý rằng, nếu như là bốn mùa ta sẽ cúi đầu lạy ngươi ba lạy, nếu như là ba mùa ngươi sẽ phải cúi đầu lạy ta ba lạy. Cậu học trò của Khổng Tử nghĩ rằng "Ván cược này mình thắng chắc rồi". 

Thật tình cờ đúng lúc đó Khổng Tử đi từ trong viện ra, cậu học trò liền vui mừng chạy đến hỏi rằng:

- Thầy ơi, một năm có mấy mùa vậy ạ?

Khổng Tử nhìn qua hai người rồi đáp lại:

- Một năm có ba mùa.

Lúc đó cậu học trò kinh hãi ngơ ra nhưng không dám vặn hỏi. Vị khách lạ quay sang cậu học trò mà rằng:

- Lạy ba lạy đi nào.

Cậu học trò chỉ có thể ngoan ngoãn cúi đầu làm theo. Khi vị khách đã đi rồi, cậu học trò liền hỏi thầy.

- Thầy, một năm rõ ràng là có bốn mùa. Sao Người lại nói là ba.

- Con không nhìn thấy trên người vị khách kia đều là một màu xanh lá hay sao? Người đó là ai? Là châu chấu. Châu chấu sinh ra vào mùa xuân, đến khi thu sang thì đã chết rồi. Trước giờ nó chưa từng được gặp qua cái gì là mùa đông. Vậy con nói chuyện cùng nó về mùa thứ tư thì đều không có tác dụng gì cả - Khổng Tử nói - Con cứ nói là ba mùa thì nó sẽ thấy hài lòng. (Nếu cứ khăng khăng một năm có bốn mùa) Cho dù chúng ta tranh cãi đến đêm cũng không kết thúc. Ba mùa, con sẽ chịu thiệt thòi một chút, phải cúi lạy ba lạy, thế nhưng chẳng đáng là gì cả. 

Không cần biết câu chuyện này có thật hay không thì đều có ích với bạn. Bạn cùng côn trùng mùa hè nói chuyện thì tranh cãi băng tuyết cái gì, đó chính là bạn hồ đồ. (Trường hợp này thông minh nhất) Đó còn không phải là gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ* hay sao. Bạn gặp người mà lại không nói tiếng người, thì chẳng khác nào bạn đang nói tiếng quỷ. Vậy không may vào một ngày nào đó bạn thực sự gặp quỷ, bạn không nói tiếng quỷ thì làm sao có thể giao tiếp được. Chúng ta đều nhầm lẫn rồi. Đây tuyệt đối không phải là đầu cơ trục lợi** mà là tùy cơ ứng biến***. Chỉ cần bạn biết dùng tốt (từng trường hợp) bạn có thể sống thêm 10 năm. Bạn có tin điều đó không? Tôi có rất nhiều bạn bè, sau khi nghe tôi kể câu chuyện này, lần nào gặp tôi anh ta cũng rất vui vẻ nói rằng: "Trước đây nhìn thấy những người không nói đúng sai thì tôi rất tức giận, bây giờ tôi không còn như thế nữa rồi, trong lòng nghĩ về "ba mùa" thì liền cảm thấy chả có chuyện gì nữa".

Đối với bất cứ chuyện gì mà làm bạn tức giận, làm bạn không yên, hãy nghĩ về "người ba mùa", bạn sẽ liền cảm thấy tâm tình bình tĩnh trở lại. Trên thế giới này, "người ba mùa" quá nhiều. Càng là người không hiểu biết, khi nói chuyện âm thanh phát ra càng lớn. Sau này ở bất cứ đâu bạn cũng sẽ có thể bắt gặp, mấy người âm thanh nói ra lớn nhất chính là người không biết gì nhất, (vì) bạn hiểu biết thì bạn nói lớn tiếng như thế để làm gì.   
    
*Đồng nghĩa với câu: Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.

** Giải nghĩalợi dụng cơ hội để kiếm lợi riêng một cách không chính đáng.

*** Giải thíchtheo tình hình mà có cách ứng phó thích hợp.

**** Link gốc chương trình mà giáo sư Tăng Sĩ Cường tham gia:

Vô tình bắt gặp tại một trường học,
thấy đúng với bản thân quá nên chụp lại ☺


~~~~~~

Vô tình bắt gặp chủ đề thú vị này trên Weibo và thấy vừa hay phù hợp dùng để nhắc nhở bản thân, nên mình quyết định dịch gộp 2 bài viết của hai thầy giáo khác nhau nhưng nội dung nói chung về một vấn đề là: khi nào thì nên tranh luận và dùng cách nào để tranh luận công bằng nhất. 

Mình vốn là một người cố chấp và háo thắng thế nên từ nhỏ mình đã cực kỳ, vô cùng bất chấp đúng sai mà tranh luận. Dần dần lên đại học thì mình thay đổi nhiều hơn. Trước giờ mình luôn cảm thấy trường Luật cho mình rất nhiều bài học, mà bài học rõ ràng nhất đó là tranh luận phải có luận cứ, luận điểm và chứng cứ, mà trong ngành Luật thường nói với nhau theo từ ngữ chuyên ngành là "căn cứ pháp lý". Mình sẽ chia sẻ một câu chuyện làm mình thay đổi bản thân bình tĩnh trước nhiều tình huống. 

Đó là vào năm ba Đại học, kỳ đó mình học một môn là "Luật Thương mại quốc tế", bọn mình có làm bài tập nhóm về một phiên tòa giả định mà nhóm mình đại diện cho nguyên đơn, vì môn này khá khó, còn phải nghiên cứu sử dụng văn bản luật quốc tế thế nên các bạn đều rất nản. Mình thì không phải nhóm trưởng đâu nhưng mình thích mấy môn thương mại và vốn bản tính háo thắng nên mình muốn nhóm mình phải thắng kiện. Mình nhớ rằng năm đó mình đã tìm tòi phân tích viết bài đến hơn 2 giờ sáng, gửi cho thằng nhóm trưởng xong hai đứa thảo luận sửa sang các kiểu. Đến ngày diễn ra buổi thảo luận cũng là phiên tòa, mình đại diện nhóm bảo vệ lợi ích của nguyên đơn. Ngày đó là ngày mình nhớ nhất và tự hào nhất trong suốt bốn năm Đại học của mình, còn hơn cả ngày mình cầm tấm bằng Đại học trong tay nữa, vì hôm đó đã thay đổi mình và cho mình biết mình thực sự thuộc về cái gì. Diễn biến phiên tòa khá căng thẳng vì bên nào cũng quyết thắng. Kết quả là... nhóm mình thắng vì nhóm mình đã đưa ra nhiều chứng cứ thuyết phục hơn trước tòa. Thế nhưng khi giáo viên nhận xét, cô đã nói một câu mà làm mình tỉnh ngộ hoàn toàn, cô bảo rằng tại sao trong bài tập đã nộp nhóm mình đưa ra căn cứ pháp lý đầy đủ như thế nhưng không dùng nó để áp dụng khi lên phiên xét xử và cả hai bên hầu như không đưa ra căn cứ pháp lý khi tranh luận trước tòa. Đúng vậy, sự háo thắng và quyết ăn thua của mình đã làm mờ con mắt của mình, mình hoàn toàn quên hết luật đã ghi nhận cái gì và trước pháp luật thì cần lấy quy định của luật ra làm gươm cũng như làm khiên chắn như thế nào. Cuối cùng cô khen nhóm mình rất nhiều nhưng chỉ cho 8.5 vì bài viết xứng đáng cao hơn nhưng tại phiên tòa thì thiếu sót. Mặc dù đã là điểm cao nhất trong các nhóm rồi nhưng hôm đó mình tiếc nuối lắm và cũng tỉnh ngộ để học được một bài học đắt giá. 

Và ngay sau ngày đó mình lại thêm một bài học khác sâu sắc không kém trong cùng một kỳ học. Vào buổi học thảo luận môn "Công pháp quốc tế" yêu thích của mình. Mình lại đại diện cho nhóm để bảo vệ một bên chủ thể, ở đây là một quốc gia và vấn đề xoay quanh quyền bất khả xâm phạm của đại sứ quán trong "Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963". Hôm đó không có thắng thua vì bên nào cũng có lỗi cả, thế nên điều cô giáo muốn là bọn mình đưa ra được những căn cứ pháp lý nào để bảo vệ cho quốc gia mình đại diện. Lúc về đến nhà mình mới nhận ra điểm mấu chốt mà mình phải bám vào vẫn là pháp luật và đáng lẽ ra lúc đó mình phải đặt ra một câu hỏi quan trọng là "Pháp luật nào cho quốc gia họ cái quyền xâm phạm sự sống của người khác chỉ vì họ thấy tức giận?" và tất nhiên chẳng có pháp luật nào cho phép điều đó cả. Nhưng lúc tranh luận đó mình đã không đủ bình tĩnh để đưa ra câu hỏi này. Mình lại hối tiếc và tiếp thu bài học mới cho bản thân sáng mắt ra :)).

Tóm lại là, giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, mình biết mình còn nhiều thiếu sót và hấp tấp không xử lý tốt nhiều tình huống. Nhưng mình luôn tự nhủ và nhắc nhở bản thân rằng: trong mọi trường hợp đều nên bình tĩnh, đưa ra đúng căn cứ và quan điểm của bản thân, đừng cố chấp ăn thua. Thường thì cuộc sống là một biến số, nó không phải một bài toán có đáp án cố định, nên không có đúng hay sai hoàn toàn. Mình thấy đáng với bản thân, biết bản thân như thế nào, là được


Bản tóm tắt đêm nghiên cứu môn "Luật Thương mại Quốc tế" năm đó ☺

   

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...