[Dịch] Trượt đại học có phải chuyện bình thường không?

Lúc còn đi học tôi thường nghe người lớn nói một câu "Người khác đều làm được tại sao con không làm được?". Đến tận bây giờ tôi vẫn cho rằng người lớn nào mà dùng câu nói này để buộc tội một đứa trẻ, không có ngoại lệ, tất cả họ đều ngu ngốc.

Mỗi gia đình đều cho con cái những điều kiện khác nhau, từ đó dẫn đến sự cách biệt thậm chí không chỉ là một chút mà thôi. Lúc bạn vẫn còn đang nghịch đất thì đứa trẻ bằng tuổi bạn đã được học chơi đàn hạc, học lập trình rồi. Đây chính là sự cách biệt do tài lực của bậc cha mẹ đem đến, mà loại cách biệt này sẽ dẫn đến thế giới bạn ngắm nhìn với thế giới của người khác có khoảng cách và sự khác biệt.

Chúng ta thử một giả định khác, đứa trẻ nghịch đất là bạn và đứa trẻ chơi đàn hạc lúc nãy trong nhà đều có khối lượng tài sản như nhau, nhưng nếu như bố mẹ bạn là kiểu nhà giàu mới nổi, xuất thân từ nông thôn không có văn hóa gì trừ việc cho bạn tiền đi học ở trường, tiền đi học thêm, mà bố mẹ của đứa trẻ kia là những phần tử tri thức cao cấp hiểu được làm thế nào để nuôi dưỡng đứa trẻ hình thành những thói quen và tư duy logic, bạn cảm thấy kết quả sẽ như thế nào đây? Dù cho cùng là học đàn hạc, cùng học lập trình, sợ rằng như thế cũng sản sinh ra sự cách biệt rất lớn đấy. 

Một giả định khác nữa, đứa trẻ nghịch đất là bạn có một người anh em ruột, hai anh em bạn cùng lớn lên trong một hoàn cảnh gia đình, bố mẹ bạn cơ bản đối xử rất công bằng. Cả hai anh em đều học không quá tốt được học ở cùng trường khác lớp, chủ nhiệm lớp bạn vì thành tích không tốt của bạn mà ngày ngày đều mắng chửi, nói bạn là rác rưởi của xã hội, là con giòi đến ăn *ứt cũng không ăn được lúc còn nóng, mà em bạn dù học không tốt nhưng chủ nhiệm lớp sẽ cùng em ấy nói chuyện, phân tích cho em ấy điểm mạnh điểm yếu của bản thân và gợi ý cho em ấy những phương pháp học tập. Bạn cho rằng vài năm tới bạn và em bạn sẽ sản sinh ra sự khác biệt như thế nào? 

Đọc đến đây bạn cảm thấy hình như mình quá thảm rồi, vậy chúng ta sẽ cho bạn cùng em bạn thảm như nhau nhé. Hai anh em bạn hiện tại đều học trong một trường học quản lý kiểu quân đội, chủ nhiệm lớp đều là động một chút sẽ cho hai đứa học không ra gì là anh em bạn ăn mắng ngay. Hai năm sau em bạn vẫn tỏa sáng như ánh dương rực rỡ, còn bạn bị trầm cảm. Bố mẹ hỏi bạn: cùng là một lớp, người khác không bị trầm cảm tại sao con lại bị? Em con không bị tại sao con bị? Nghe thấy câu này, đáng ra người trầm cảm là bạn sẽ càng tự trách. Bởi vì bạn cũng không hiểu nổi, tại sao chỉ có bạn bị như thế.

Thật ra rất đơn giản, bởi vì người với người vốn dĩ không giống nhau. Năng lực chịu đựng và sự đàn hồi của tâm lý mỗi người mỗi khá.

Trên thế giới này không có hai người nào là hoàn toàn giống y như nhau. Bạn chỉ là bạn mà thôi, là một bản thể độc nhất vô nhị. Ban đầu nhìn vào thì thấy bạn và bạn của bạn đều học tập ở cùng một trường, thực tế mà nói thì còn do gia đình, thầy cô giáo, mỗi người trong quá trình trưởng thành đều gặp vô vàn những trải nghiệm khác nhau và những trạng thái tâm lý khác nhau, thật ra các bạn không có cùng xuất phát điểm. Cho nên xuất hiện việc người khác làm được bạn không làm được, người khác đỗ mà bạn thì trượt, tình huống này là cực kỳ bình thường.

Bạn nói xem, tại sao tôi lại sinh ra ở tỉnh lớn, bố mẹ cứ bức bách tôi học tập, còn gặp phải người thầy cô dạy không tốt? Thế giới này quá không công bằng rồi. (Me: Câu này mình không đồng ý)

Đúng, chính là chẳng chút công bằng nào. Có người sinh ra trong nghèo khó, có người sinh ra trong phú quý, có người gặp được quý nhân phù trợ, có người mãi chỉ gặp phải người xấu. Đây chính là thế giới. Thế giới này chính là vô thường, là chứa đầy những biến số. Giáo dục của chúng ta luôn để cho đa số những đứa trẻ đi trên một sợi dây không có chút thay đổi nào, dường như luôn đang nói với bạn, thi lên cấp ba mà thi không tốt thì coi như xong, thi đại học mà thi không tốt cũng xong luôn, trượt môn ở đại học cũng xác định, thi nghiên cứu sinh mà thi không nổi thì còn làm được gì. Ở mặt khác lại như truyền bá rằng, chỉ cần thi đỗ bất cứ trường cấp hai cấp ba nào, bất cứ trường đại học nào, bạn sẽ đương nhiên trở thành người mà mình muốn trở thành, bạn nhất định phải thăng quan tiến chức trong tương lai. 

Vậy có nhiều cái đương nhiên đến thế ư?

Bạn cố gắng rồi, thi một lần, không đỗ, không nói lên rằng bạn là người thất bại, cũng chẳng nói lên rằng đời này của bạn thế là xong. Mà đỗ một lần rồi, cũng chẳng nói lên rằng ngày tháng sau này bạn sẽ tìm được một công việc tốt, sẽ nhất định có tiền đồ tốt.

Thế giới rất rộng lớn, nhân sinh vô thường, đừng lo lắng như thế, hãy vừa đi vừa ngắm nhìn. Bạn có thể đã nỗ lực cố gắng rồi nhưng không thể thành công. Nhưng bạn phải thừa nhận rằng có rất nhiều việc không phải chỉ dựa vào nỗ lực là có thể thành công đâu, thi đại học chính là loại việc như thế.

Ít nhất trên một phương diện nào đó, bạn đã thử qua, bạn không phải là không hành động sau đó hối hận, như thế là đủ rồi. Còn về kết quả, vạn sự tùy duyên. 


Nguồn ảnh: Không nhớ vì đã lưu lại quá lâu rồi :))


Nguồn: Zhihu

~~~~~~

Các em 2003 vừa mới thi Đại học xong đúng không nhỉ? Mình không năm chắc lịch thi năm nay lắm nhưng bài dịch này của mình chính là điều muốn nói ở nhan đề: Đỗ hay trượt Đại học không quyết định được kết quả của một đời người. Ý của mình là việc đỗ hay trượt Đại học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó ngoài nỗ lực ra thì còn cần cả may mắn. 

Điều đầu tiên mình muốn nói, mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, về cơ bản không phải chỉ là điều kiện gia đình cho bạn những gì mà còn là bạn chấp nhận bản thân đã bỏ ra những gì. Mình không lấy ví dụ ở bản thân mình vì xin cảm ơn gia đình bố mẹ bạn bè đã cho mình một môi trường học tập bình thường như bao người mà không gặp phải khó khăn gì. Nhưng ngoài kia có rất nhiều tấm gương vượt khó học tập mà chỉ cần lên hỏi bác Gúc là sẽ thấy năm nào, tháng nào và ngày nào cũng có. Ở đây là nhìn ra thế giới không phải để so sánh tại sao người ta làm được còn mình không làm được, mà là nhìn ra thế giới để biết được bản thân mình đã và đang bỏ ra những gì để trả giá cho tương lai. Và cuối cùng là mình CÓ THỂ làm được gì cho tương lai đó của chính mình. 

Thứ hai chuyện đỗ đại học và trượt đại học sẽ thay đổi đời người như thế nào, mình xin thưa rằng chưa biết ai hơn ai, chỉ là thế giới sau này mà mỗi người nhìn sẽ khác nhau thôi, còn phụ thuộc vào từng việc bản thân mỗi người lựa chọn đi trên con đường nào nữa. Có người đỗ đại học rồi bỏ học, có người thi lại đại học lần hai lần ba, có người tiếp tục học trong chán nản, có người làm thêm nhiều hơn học, có người nỗ lực học tập tiếp, có người ra ngoài thực tế học sự đời nhiều hơn, có người sớm ổn định công việc, có người mãi vẫn bơ vơ, có người tốt nghiệp liền kết hôn, có người vẫn bay nhảy tự do,... Nhiều hình dạng cuộc đời lắm, chỉ có một câu là đúng, trên thế giới này mỗi cá thể đều là độc nhất vô nhị. Chúng ta chỉ là chính chúng ta mà thôi. Thất bại hay thành công, không có so sánh. 

Thứ ba là việc trách thế giới này không công bằng. Bố mẹ bạn không có văn hóa được như bố mẹ người ta, chẳng sao cả, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, không phải cứ có văn hóa thì sẽ thành người tài, đó chỉ là một trong vô vàn mọi yếu tố tạo nên con người bạn mà thôi, có tài mà không có đức thì vô dụng. Nhưng theo mình tiên quyết cứ phải có đức đã, tài thì có thể luyện chứ đức sinh ra mà thiếu thì luyện sao cũng chẳng thành người được đâu. Thế giới này theo mình công bằng lắm, ai làm người đó hưởng, bỏ qua mấy yếu tố bị con người tác động khác, mình vẫn cho rằng ông trời không phụ lòng người, chính mình không phụ bản thân, cố gắng nỗ lực làm tốt quá trình, kết quả là thứ cuối cùng nhìn đến mà thôi, thứ nuôi chúng ta trưởng thành chính là trải nghiệm. 

Cuối cùng, giống như người ta thường tranh luận có được rồi mất đi đau khổ hơn hay là trước giờ chưa từng có thì đau khổ hơn? Việc bạn cố gắng rồi thất bại đau khổ hơn hay trước giờ chưa từng cố gắng thì đau khổ hơn? Câu hỏi này cũng sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người trong mỗi việc khác nhau. Hứa Quang Hán từng trả lời câu hỏi thứ nhất như sau: "Nếu là tôi của trước đây thì khả năng tôi sẽ chọn có rồi mất đi sẽ đau khổ hơn nhưng sau này tôi cho rằng bạn có được rồi lại mất đi thì thực ra trong đó vẫn có một quá trình, trong cuộc đời mỗi người, tôi cảm thấy kết quả không quan trọng, nhân sinh quan trọng nhất phải là quá trình", thế nên thà lựa chọn có rồi mất đi còn hơn trước giờ chưa từng có. Cũng tương tự như vậy, trong một sự việc, thường người ta chọn làm rồi hối hận còn hơn là không làm rồi hối hận vì ít nhất bạn từng thử qua để biết bản thân có thể hay không, làm được thì tốt còn không làm được thì cân nhắc thử lại hoặc là bỏ đi chuyển sang làm cái khác. Mình từng chẳng biết một chữ bẻ đôi tiếng Trung nào, vâng chỉ tầm hơn hai năm trước thôi, tầm đầu năm 2019 mình chưa biết một chữ bẻ đôi tiếng Trung nào, đến nay cũng không phải dạng nói chuyện như thần đọc chữ như chơi nhưng cũng dịch được đôi ba câu, thế thì thử thôi, nỗ lực một lần không được 10 thì ít nhất cũng được 1,2, không nỗ lực thì 0 cũng chẳng có. 

Đại học là một con đường nhưng không phải con đường duy nhất, cũng đừng phủ nhận cái việc học Đại học có ích hay không, mỗi thứ đều có hai mặt, đều có khung trời nhìn ra thế giới khác nhau. Đỗ thì tốt mà không đỗ cũng không sao cả vì chính mình lựa chọn tốt khung trời để phát triển phù hợp với mình là được. 

Kết nè, một đứa đỗ Đại học như mình sẽ nói cho các bạn biết là thế giới có nhiều sao sáng lắm, ngôi sao nào sáng nhất thì mình không biết nhưng mình là một ngôi sao mờ nhạt từng làm bạn với vô cùng nhiều ngôi sao sáng. Mà bây giờ mỗi người mỗi cuộc đời đều khác nhau cả. Đến cái tuổi này ngừng so sánh thì người ta bảo ngừng cố gắng, nhưng càng so sánh sẽ càng thụt lùi vì bạn sẽ vĩnh viễn không nhận ra giới hạn tâm lý của bản thân yếu đuối mỏng manh đến đâu đâu. Tốt nhất vẫn là sống cuộc đời của chính mình, ngắm nhìn thế giới, lựa chọn hạnh phúc cho bản thân, vui vẻ, nỗ lực, chân thành và yêu đời nữa nhớ.

Trích một câu trong cuốn "Chiếc bật lửa và váy công chúa":

"Công chúa điện hạ, thi đại học chỉ là một bước ngoặt thôi. Kể từ giây phút nó kết thúc, chuyện chỉ cần dựa vào cố gắng là có thể làm tốt đã càng ngày càng ít". 

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...