[Review phim] Blue is the warmest colour*.

* Cảnh báo: "Blue is the warmest colour" có nội dung liên quan đến LGBT+, bị gắn mác 18+ nhé. 
 
Mình là một đứa không có tế bào nghệ thuật, thế nên thường không cảm thụ được nghệ thuật chân chính, cũng càng không hiểu ngụ ý của nghệ thuật. Đó là một trong những lý do mình không quá thích nghệ thuật, nhưng chẳng hiểu sao mình lại thích cảm giác "thơ" của nghệ thuật, đó là một cảm giác mà theo mình nó đủ mạnh để những người không mấy thấu hiểu nghệ thuật như mình, cũng nhìn ra vẻ đẹp của nó, một nhân vật trong bộ phim mình mới xem đã nói rằng "Nghệ thuật là cái nhìn chủ quan". Không sai, nghệ thuật qua mỗi con mắt sẽ có những góc nhìn và cảm nhận khác nhau, thực ra hình như nghệ thuật không hề khó hiểu mà chỉ là tự mỗi chúng ta biến nó thành quá khó để hiểu mà thôi.

Những bộ phim nghệ thuật thuộc thể loại chính kịch là một trong những thứ khó hiểu đó, nếu bản thân mình xem một tác phẩm điện ảnh như thế, thứ duy nhất mà mình khẳng định rằng bản thân có thể cảm nhận được đó là cảm xúc của nhân vật, thứ mình nắm chắc nhất chỉ có cảm xúc của nhân vật, còn về ý nghĩa của từng chi tiết trong phim thì mình thường không đủ tinh tế, không đủ sâu sắc để nắm bắt chúng. Và chính xác là mình không thường xem phim thể loại nghệ thuật chính kịch vì những lý do trên. Nếu muốn nhớ để kể lại những bộ điện ảnh nghệ thuật mà mình đã xem qua thì chắc đó sẽ là "La La Land" với ánh mắt cuối cùng khi họ gặp lại nhau, là "Before sunrise" với ánh mắt chạm nhau trong tiệm băng đĩa, là "Before sunset" với cảnh hoàng hôn đi thuyền trên sông trải đầy nắng vàng, là "Titanic" với câu nói "Dawson, Rose Dawson", là "Romeo and Juliet (1995)" khi hai người nhìn nhau qua bể cá cảnh, là "Call me by your name" với lời chia sẻ của cha cùng cảnh cuối phim khi Elio ngồi trước lò sưởi... chỉ có thế, hoặc nếu có thêm thì là do mình đã xem nhưng không nhớ đến và hình như đã quá lâu rồi mình không thử xem thêm một tác phẩm nào khác. Mặc dù chẳng hiểu hết được dụng ý của tác phẩm nhưng bất cứ khi xem xong một bộ phim nào mà mình đã kể ở trên thì mình cũng phải cảm thán một câu rằng: quả đúng là một tác phẩm nghệ thuật ☺.





Nói nhiều như vậy chính là để làm lời dẫn cho câu chuyện gần đây mình mới xem của "Blue is the warmest colour". Chỉ cần lên hỏi bác Gúc thôi thì bác sẽ cảnh báo một câu rằng bộ phim này có những tình tiết giới hạn độ tuổi người xem và không sai đâu vì mình cũng bị shock không chỉ một chút với độ dài của cảnh đó, còn lại về cơ bản thì mình có thể hiểu những ý nghĩa phim muốn truyền tải và còn rất ấn tượng với nhân vật Emma nữa. Về nội dung của "Blue is the warmest colour" thì mình xin tóm tắt ngắn gọn trong vài câu như sau: cô bé Adele 15 tuổi ấn tượng với một người qua đường với mái tóc màu xanh dương là Emma - một sinh viên năm tư của một trường đại học về nghệ thuật. Cùng thời gian đó Adele phát hiện ra xu hướng giới tình của mình là thích nữ giới, cô bé gặp lại Emma ở một quán bar và hai người bắt đầu quen biết nhau...

Khi Emma và Adele ở bên nhau sẽ cho người xem thấy rõ được môi trường, hoàn cảnh và gia đình đã nuôi dưỡng họ thành hai con người hoàn toàn khác nhau như thế nào. Với Emma, cô lớn lên trong một gia đình tri thức, bố là họa sỹ, mẹ và cha dượng là người yêu đồ ăn, nghệ thuật và văn hóa, sự thấu hiểu của họ dành cho con cái là khi cha dượng của Emma đã nói với Adele rằng "Ít ra cháu biết mình đang đi đâu, bác nghĩ đó mới là điều quan trọng", là khi họ ủng hộ mọi lựa chọn của Emma thế nên Emma là một người vô cùng ngầu, vô cùng tự tin, vô cùng có chính kiến với cuộc sống được là chính mình, cô come-out từ năm 14 tuổi không chút xấu hổ hay tự ti về con người thật của mình. Trái ngược lại ánh dương của Emma, Adele lớn lên trong một gia đình bình thường, cha mẹ cô bé có thể nói là thuộc tầng lớp ít tri thức, cô bé thích đọc sách, muốn trở thành giáo viên và cô bé không tự tin để come-out, không dám để người khác biết về mối quan hệ của mình với Emma, kể cả khi họ đã ở bên nhau vài năm rồi, Adele vẫn là một người không dám bước ra ánh sáng, chỉ cam chịu một đời bình thường bên cạnh ánh sáng của Emma. Khi Emma nói rằng Adele hãy thử làm những gì cô bé giỏi, thử viết sách, thử những thứ mình muốn, thế nhưng Adele lại trả lời rằng: "I am happy. I am happy with you, like this. It's my way of being happy". Nghĩa là ngay cả làm vì bản thân mình Adele cũng không tự tin, chứ đừng nói là công khai mối quan hệ này với người ngoài để cho thế giới biết về xu hướng giới tính của cô. Thế rồi Adele dùng một câu "Em cảm thấy cô đơn lắm" để phản bội lại Emma và đặt dấu chấm dứt cho cuộc tình của cả hai. 

Câu chuyện này có phần thú vị và thực tế không ngờ, thực tế ở chỗ nó như bao chuyện tình khác qua nồng nhiệt sẽ là lạnh nhạt, nó thú vị ở chỗ một người dám làm ở bên cạnh một người không dám làm. Khi một Emma tự tin mà tuyên bố với thế giới rằng "Cảm ơn nàng thơ của tôi" và không ngừng kiên trì với con đường khẳng định giá trị tác phẩm nghệ thuật do mình tạo ra thì mặt khác Adele mệt mỏi với công việc hiện tại nhưng không muốn đấu tranh để đổi khác đi, càng không dám để người xung quanh biết rằng cô đang yêu một cô gái. 

Mình không biết khoảng cách giữa ba giai đoạn: mới yêu, ở bên nhau, chia tay của Emma và Adele là bao lâu vì trong phim không hề nói rõ nhưng qua trang phục của Emma người xem có thể đoán được thời gian. Ví dụ như những ngày đầu mới yêu Emma vẫn còn một mái tóc xanh bồng bềnh, rồi khi ở bên nhau cô cắt tóc ngắn nhuộm nâu với áo jacket da đen và khi chia tay ngày gặp lại chính là mặc sơ mi với suit. Nhưng Emma vẫn là Emma, vẫn hiểu điều đúng đắn mình cần phải làm là gì, là khi nói "That's my family", là lựa chọn hạnh phúc của hiện tại mình cần trân trọng. Có một câu thoại kinh điển trong những phân cảnh cuối phim mà Emma đã dành để nói với Adele rằng: "I am with someone else now. But I feel an infinite tenderness for you. I always will. My whole life". Mình có đọc bình luận trên weibo về "Blue is the warmest colour", có vài bạn viết cũng hay lắm, ví dụ như: "(Câu thoại của Emma) làm tôi nhớ đến một câu nói, tôi thích người con gái là người trong lòng của người khác, nếu như cảm thấy tôi quá cặn bã, vậy đổi cách nói tốt hơn thì chính là người tôi thích đang trong vòng tay của người khác" dịch thô sẽ là "Tôi thích người yêu của người khác, hay nói cách khác, người tôi thích đang là người yêu của người khác" (Nguyên văn: 让我想起一句话,我喜欢别人怀里的女生,如果觉得我渣的话,那换一种说法好了,我喜欢的人在别人怀里). Một bình luận khác viết rằng: "Đại loại (ý câu nói của Emma) là, chúng ta không thể ở bên nhau, anh cũng không có cách nào đem toàn bộ tình yêu của anh cho em, nhưng anh sẽ luôn yêu em". Và một bình luận nữa đó là: "Ngày trước cảm thấy câu thoại này thật quá cặn bã, đã chia tay rồi thì còn dịu dàng cái gì nữa. Hiện tại, tôi cuối cùng cũng hiểu ý nghĩa của câu thoại này rồi. Tình yêu so với Yêu thì càng rộng lớn hơn. Anh không còn yêu em nữa. Nhưng anh vẫn sẽ yêu em." 

Và cuộc sống không phải là những câu chuyện cổ tích để rồi có happy ending, cuộc sống chính là những sad ending đầy thực tế nhất. Xem xong "Blue is the warmest colour" mặc dù thích cái kết này nhưng mình có cảm giác buồn, đó không phải là buồn cái sad ending rằng hai người không quay về với nhau, vì vốn mình không thích tính cách giấu mình của Adele, mình nghĩ rằng Emma xứng đáng ở bên cạnh một người mà trân trọng cô ấy hơn, chỉ là mình buồn vì cách Emma nhìn Adele vẫn giống y như lần họ gặp nhau ở quán bar, kiểu nuông chiều mà trân trọng dù cho chuyện gì có xảy ra, là tha thứ nhưng không thể quay về, vì Emma hiểu Adele và vì cả cách Adele rời khỏi buổi triển lãm tranh của Emma - lặng lẽ, dường như kể từ ngày đó trong cuộc sống của cô tất cả sẽ chỉ là hối hận và chấp nhận. Emma và Adele bắt đầu với mái tóc xanh dương của Emma và kết thúc với chiếc váy xanh dương của Adele. Thật kỳ lạ, màu xanh dương (blue) bản chất còn được hiểu là nỗi buồn, thế nhưng nó lại là màu sắc ấm áp nhất với họ. 



Nguồn ảnh: Pinterest.

Popular posts from this blog

[Dịch] Sống cuộc đời bạn muốn.

Chữ “Tình Thân” trong những câu chuyện của Mặc Bảo Phi Bảo

Cửu biệt trùng phùng - Dĩ Diên Vi Định...