[Review sách] Người đua diều - Khaled Hosseini.
1. Ấn tượng đầu tiên.
Mình biết "Người đua diều" là một trong những cuốn sách hay được đề cử cho bạn đọc trong nhiều năm qua, thế nhưng mình đã từng nghĩ với nhan đề này nó sẽ là một câu chuyện đầy niềm vui tuổi thơ, chứ không phải là tuổi thơ bị đánh mất đầy đau đớn bởi chiến tranh.
Lần đầu mình cầm cuốn sách "Người đua diều" trên tay là một dịp mình được người anh em của mình dẫn ra một tiệm cà phê sách. Hôm đó mình đã đọc được một phần của cuốn sách này, nhưng đó mới chỉ là những phần đầu tuổi thơ của Hassan và Amir mà thôi. Sau này chưa có cơ hội trở lại tiệm lần nữa nên mình đã tải ebook về để đọc, và đây là lần đầu tiên mình đọc ebook một cuốn truyện kinh điển như vậy.
![]() |
Nguồn ảnh: Google. |
2. Nội dung.
"Người đua diều" là một câu chuyện mà theo mình nghĩ thì nó đầy màu sắc đau thương, nó đau thương không chỉ vì đây là câu chuyện kể về đất nước Afganistan bị chiến tranh giày xéo, mà đó còn là câu chuyện của những con người mất nước phải tha hương nơi xứ người, nó còn là câu chuyện của tội lỗi và sự cứu chuộc nơi những con người có trái tim.
"Người đua diều" được kể lại qua lời văn của Amir. Amir sinh ra trong một gia đình giàu có ở Afganistan, cậu có một người bạn từ thuở ấu thơ là Hassan, hai đứa uống chung một bầu sữa mà lớn lên, luôn sát cạnh sớm chiều bên nhau mà trưởng thành. Câu nói Hassan dùng cả đời mình để chứng minh cho Amir chính là "Vì cậu, cả ngàn lần rồi". Hassan luôn nhường nhìn, luôn hết mình, luôn bảo vệ, luôn từ bỏ, luôn cam chịu, tất cả tất cả những gì Hassan đã làm, từng làm và sẽ làm, đó chính là vì Amir. Nhưng nụ cười của Hassan hoàn toàn biến mất vào đêm đông lễ hội đua diều năm đó, vào cái đêm lạnh giá trong ngõ hẻm, Hassan dùng máu và sự chân thành hồn nhiên của mình đổi lại cánh diều chiến thắng cho Amir. Và họ chia xa bởi tội lỗi đã đâm chồi trong lòng Amir, vì Amir chẳng thể vượt qua được tòa án lương tâm trong lòng mình, và vì Hassan chẳng thể lại nhìn cậu mà vô tư như xưa được nữa. Một tội ác quá đau đau đớn đã chém ngang cuộc đời của cả hai người.
Ngày mưa giông năm đó Hassan cùng Ali rời gia đình Amir mà đi, cũng là sự khởi đầu cho những bi kịch không thể chấm dứt của đất nước Afganistan. Quân Liên Xô tiến vào dẫm đạp lên đất Afganistan, đọa đày người Afganistan trên địa ngục trần gian tại chính đất mẹ của họ. Amir và Baba rời quê hương tìm đến đất Mỹ để được tiếp tục sống, họ đã không ở lại để chiến đấu, đó là tội lỗi thứ hai xuất hiện trong lòng Amir, khi đất nước cần đã chẳng thể ở lại bảo vệ. Cuộc sống của Amir và Baba tại đất Mỹ không hề dễ dàng, thế nhưng ít ra họ được sống tự do và an toàn. Rồi Baba mất vì bệnh tật, Amir cưới vợ ở bên Mỹ, Amir trở thành một nhà văn, Amir có một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất và tinh thần. Thế nhưng thứ mà cả đời Amir không thể quên vẫn là mùa đông năm đó và câu chuyện của Hassan. Chính vì nó còn dang dở không có lời kết thế nên nó lại tìm cơ hội quay về, vào một ngày thường nhật trên đất Mỹ, Amir nhận được điện thoại của chú Rahim Khan gọi anh quay lại Afganistan vì ông có chuyện muốn nhờ lần cuối trước khi ông ra đi.
Amir không ngờ rằng lần trở lại này anh không chỉ biết được một sự thật, giải trừ được tội lỗi trong tim mà còn tìm được con đường giải thoát cho chính mình cùng một sinh mệnh đau thương khác cần anh cưu mang. Sự thật mà bao năm qua Baba đã che giấu, sự thật là Amir có một người em trai cùng cha khác mẹ, sự thật là Hassan là người em trai đó. Thế nhưng Hassan đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến trên đất Afganistan vì bảo vệ gia đình Amir, Hassan không còn nữa rồi, còn lại chỉ là người con trai mồ côi của Hassan. Càng đau đớn hơn nữa là lịch sự một lần nữa lặp lại, chuyện đau đớn dày xé Hassan trong con hẻm nhỏ lạnh lẽo năm xưa, lại xảy ra trên người của Sohrab - người con trai đáng thương của Hassan.
Baba của Amir đã từng dạy cậu là tội lỗi lớn nhất của con người là ăn cắp. Khi nói dối, nghĩa là đã cướp đi quyền được biết sự thật của một ai đó. Thế nhưng Baba đã cướp đi quyền được biết sự thật của cả Amir và Hassan. Ông dùng một đời mình để trở thành người tốt, để chuộc lại tội lỗi này, "chuộc lỗi thành thực chính là như thế, khi tội lỗi dẫn đến lòng tốt". Còn về sự hèn nhát của Amir năm xưa khi không dám đứng ra bảo vệ Hassan, chú Rahim Khan đã nói rằng: "Một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ", năm đó Amir mới chỉ là một đứa trẻ, thế nên làm sai là có thể hiểu được, nhưng chú hy vọng, Amir có thể chuộc lỗi và tha thứ cho chính bản thân mình vì "Luôn có một con đường để tốt lành trở lại". Cuối cùng, Amir dùng một lần gần như chết đi sống lại để chuộc lỗi với người em trai Hassan của mình bằng cách đem Sohrab về Mỹ nhận làm con nuôi.
Cả câu chuyện "Người đua diều" là những hình ảnh đầy đau đơn của đất nước Afganistan bị chiến tranh tàn phá, sự điên cuồng tự xưng Thượng đế cho phép mà giết hại đồng bào máu thịt của bọn cuồng tín, sự súc sinh vặn vẹo của những tư tưởng biến thái từ nhỏ, và đâu đó vẫn là những tội lỗi đang được tìm cách cứu chuộc và đi trên một con đường khác. Một đời của Amir có ba lần câu nói đó thốt lên, người đầu tiên là Hassan nói với Amir "Vì cậu, cả ngàn lần rồi", người thứ hai là Farid nói với Amir "Vì ông, cả ngàn lần rồi", và cuối cùng Amir dành câu nói này trao lại cho Sohrab "Vì cháu, cả ngàn lần rồi". Mỗi lần câu nói này được thốt lên thì đó là một lần đầy đau đớn của người đọc. Và câu văn ám ảnh nhất trong "Người đua diều" là: "Có rất nhiều trẻ con ở Afganistan, nhưng hầu như chúng không có tuổi thơ".
3. Ý nghĩa.
Mình nghĩ rằng mình sẽ không dám đọc lại "Người đua diều" lần thứ hai, phần nhiều là vì nó đem lại cảm nhận đau đớn và bàng hoàng cho mình. Mình còn nhớ rằng vào thời gian đầu khi chưa đọc hết cuốn sách này, mình đã ước mong có một cái kết hạnh phúc cho Hassan, nhưng không, niềm đau nhân đôi khi Sohrab lại phải chịu sự nhục nhã như Hassan năm đó đã từng chịu đựng, mình đã không thể đọc tiếp mà phải ngừng lại một khoảng thời gian. Chiến tranh quá đau thương, nhưng chung quy lại chiến tranh là tội ác của con người, thế nên ác nhất vẫn là con người - những kẻ cuồng tín tự ban cho mình cái quyền quyết định sống chết của người khác.
Đọc xong "Người đua diều" mình bất chợt nhớ lại một ký sự ngắn được thực hiện bởi Chuyển động 24h vào năm 2016 tại Syria. Tội ác chiến tranh là không thể kể hết, mà cuối ký sự các phóng viên tác nghiệp đã để lại một câu mà đến giờ mình vẫn còn lưu lại trong điện thoại, đó là: "Không có một lý do nào có thể biện hộ cho những tội ác man rợ này. Không có đức thánh Allah, đức chúa trời nào dạy người ta giết người". Bên cạnh đó, vào năm 2018 khi hình ảnh những chiếc áo đấu không tên của đội tuyển bóng đá quốc gia Syria xuất hiện trên sân đấu quốc tế, người ta đã tự hỏi rất nhiều rằng tại sao trên áo đấu của họ chỉ có tên quốc gia Syria mà không có tên cầu thủ, thì điều này có thể được lý giải rằng họ là những cầu thủ vô danh chỉ chiến đấu vì tổ quốc của mình, họ không cần người khác nhớ tên của họ, họ chỉ muốn toàn thế giới biết rằng đất nước Syria vẫn sống, vẫn ở đó và sánh vai với thế giới. Chiến tranh đã cướp đi quyền được sống, được bảo vệ và được làm người của dân tộc Syria, thứ mà người dân Syria còn chỉ là một quốc gia tan vỡ và linh hồn dân tộc trong tim.
Cả thế giới đều biết vùng Trung Đông quanh năm không yên bình, không chỉ là Afganistan, là Syria mà còn là những quốc gia vùng Trung Đông khác vẫn đang bị chiến tranh giày vò. Đau đớn thay hậu quả của chiến tranh là những đôi vai nặng gánh nỗi nhớ cố hương, những con tim chan chứa tội lỗi vì bất lực và những đứa trẻ không có tuổi thơ. Những cánh diều sẽ chẳng thể một lần nữa bay trên bầu trời Trung Đông rộng lớn đầy khói lửa bom đạn.